Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas giới thiệu đến bạn đọc hướng dẫn của Cục thuế Hà Nội về Một số Lưu ý về chính sách thuế GTGT đối với hàng nông sản nhập khẩu.
(1) Nông sản nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, cụ thể:
“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.”
(2) Khi nông sản nhập khẩu được đưa vào nội địa phục vụ SXKD, tiêu dùng
Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính:
– Trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản (F0) sau đó bán cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại để phục vụ sản xuất/kinh doanh (F1) thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, các F1 này tiếp tục bán cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khác (F2) thì vẫn thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, cụ thể:
“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.”
– Trường hợp các doanh nghiệp hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán nông sản cho các đối tượng khác (hộ, cá nhân kinh doanh, tổ chức, cá nhân khác) để phục vụ SXKD, tiêu dùng thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo mức thuế suất 5%, cụ thể:
“Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.”
– Trường hợp các hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp bán nông sản ở khâu kinh doanh thương mại thì nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% doanh thu, cụ thể:
“Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.”
Theo quy định tại Công văn số 385/BTC-CST ngày 09/01/20214 hướng dẫn về thuế GTGT đối với nông, lâm, thủy sản:
“Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế theo phương pháp khấu trừ trong khâu kinh doanh thương mại.”
Một số ví dụ cụ thể tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính:
Ví dụ 19: Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì gạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.
Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D.
Trên hóa đơn GTGT lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D, Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Công ty lương thực B bán trực tiếp gạo cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
Ví dụ 20: Công ty TNHH A là CSKD nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mua cà phê nhân của nông dân trồng cà phê, sau đó Công ty TNHH A bán số cà phê nhân này cho hộ kinh doanh H thì doanh thu của Công ty TNHH A từ bán cà phê nhân cho hộ kinh doanh H áp dụng mức thuế suất 5%.
Ví dụ 21: Hộ ông X sau khi thu mua lá chè của hộ trồng chè đã bán ra cho hộ ông Y thì hộ ông X phải tính, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu bán lá chè cho hộ ông Y.
(3) Nông sản ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng chịu thuế 5%, trừ các trường hợp đã quy định tại điểm (2) nêu trên
Theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính:
“Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.”
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
Chúc bạn thành công.
Trường hợp có thắc mắc, hoặc cần tư vấn dịch vụ, quý anh chị có thể liên hệ qua email: keytascompany@gmail.com hoặc Zalo 0974987917
Đăng ký Khóa học Kế toán - Thuế doanh nghiệp FDI Chương trình cập nhật kiến thức Kế toán - Thuế định kỳBài viết khác:
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi
CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN THUẾ KEYTAS
Địa chỉ: 6 Nguyễn Thông, Phường An Hải Tây, Quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng Xem đường đi
Điện thoại/ Zalo/ WhatsApp: 0974 987 917
Email: keytascompany@gmail.com
Website: www.keytas.vn